Gà đen? Nó có giống gà Tần thuốc bắc ở Hà Nội?
Câu trả lời là KHÔNG quý vị nhé. Gà đen là một trong những loại giống Gà thuần bản địa được người dân và thực khách rất ưa chuộng khi đến với mảnh đất vùng cao này. Khác với Giống Gà đen INDONESIA, Gà đen của người Mông có hàm lượng dinh dưỡng và nhiều protein hơn, do chăn thả và cho ăn thực phẩm tự nhiên nhiên nên thịt chắc và ngọt đúng với Slogan quảng cáo “Ngon từ thịt, Ngọt từ xương”. Ngoài ra, còn một điều đặc biệt ở loại Gà này nữa, đó là không chỉ da đen, mà thịt và xương Gà cũng có màu xám đen, hoặc đen tuyền.
Còn chế biến thì sao?
Không cầu kỳ, luộc hoặc rang là 2 cách chế biến phổ thông. Nhưng đặc biệt ở chỗ, đối với Gà luộc, sau khi chặt miếng, chỉ cần xóc chung với MUỐI TRẮNG, HẠT TIÊU, LÁ CHANH rồi xếp ra đĩa là ta đã có một món ăn quá ư là xuất sắc rồi. Đối với Gà rang, bằng kỹ năng đặc biệt của từng đầu bếp mà khi rang chung với Gừng, thêm một chút ớt tươi rồi rang đến khi thịt chín, Giòn bên ngoài, mềm bên trong, đậm vị vùng cao chắc chắn sẽ chinh phục được dạ dày của dù là thực khách khó tính nhất.
Với hơn 30 năm cuộc đời là người Mông thuần chủng sống ở miền núi, tôi xin cam đoan với các bạn rằng con gì đen cũng rất ngon, không chỉ Gà đen, mà còn có Lợn đen miền núi cũng là thực phẩm chất lượng có uy tín.
Với phương châm nói KHÔNG với Cám công nghiệp, Lợn bản ở đây được thả rông hoặc nuôi nhốt, trong chuồng với cám hoàn toàn từ tự nhiên. Thời gian sinh trưởng chậm hơn Lợn xuôi nên thịt thường chắc, có những giống nuôi thịt thì mỡ ít, nhiều nạc; hoặc kể cả nuôi vỗ béo thì mỡ cũng không làm cho ta có cảm giác ngai ngái ngấy vì dầu mỡ.
Nếu đi đoàn đông, đặt Nhà hàng nướng nguyên con là một gợi ý hay cho du khách. Thịt được tẩm ướp với gia vị và lá rừng (mắc mật, thảo quả, hạt tiêu, gừng…), nướng qua than hoa, quay cả con hoặc xắt thịt ra tẩm ướp rồi nướng đều mang lại hương vị thơm ngon. Thêm vào đó, một bát nước chấm chuẩn vị (xì dầu tương ớt hay Ớt nướng than giã với muối trắng và mùi tàu) sẽ làm cho món ăn của quý vị thêm đậm đà bản sắc vùng cao.
Thịt đã ra mâm, lửa đã nổi, hãy cùng nhâm nhi chén rượu Ngô và thưởng thức các món ngon từ Lợn bản của núi rừng Mù Cang Chải quý vị nhé.
Lạp xườn là một trong những món ăn đặc trưng của miền núi phía bắc nói chung, tây bắc nói riêng. Thông thường, người ta chỉ làm món này mỗi khi đông đến, Tết về, vì vào thời gian này, thời tiết se lạnh mới giữ được lạp xườn lâu và không bị mốc.
Thịt lợn sau khi thái nhỏ sẽ được ướp với gia vị gồm muối trắng, hạt tiêu, thảo quả (tuỳ theo từng vùng của Mù Cang Chải), một chút rượu trắng rồi được nhồi vào lòng Non của Lợn (sau khi đã được làm sạch) và treo khô tại gác bếp của các gia đình để ăn dần. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu của thực khách ngày một nhiều, các nhà hàng đã sản xuất lạp xườn quanh năm để phục vụ cho nhu cầu của du khách.
Lạp xườn thường được rán vàng, thái lát để ăn, có vị ngọt của thịt, đậm đà của muối và thơm phức của gia vị cùng với mùi hun khói của bếp lửa chuẩn vị Tây Bắc khiến cho ai ăn vào cũng phải nhớ mãi.
Chắc hẳn quý vị đã được nghe qua, hoặc biết loáng thoáng về Mèn mén – đây là loại ngũ cốc chủ đạo dùng thay cơm của đồng bào dân tộc Mông nơi rẻo cao. Để làm được món này, đòi hỏi sự kỳ công và thời gian của người nấu, từ việc say ngô thành bột, đến hấp cách thuỷ 3 lần rồi vò kỹ là ta đã có được món ăn như ý.
Tuy nhiên, có 1 lưu ý khi ăn Mèn Mén dành cho thực khách, đó là ít nói, ít cười vì nếu không bạn sẽ bị sặc Phun ngọc nhả châu bất cứ lúc nào đấy. Ngoài ra, còn có 1 cách chế biến khác để dễ ăn hơn, đó là rang Mèn mén với trứng và hành lá cùng với chút mắm, đảm bảo bạn sẽ ăn ngon quên cả lối về.
Nếu như bạn là một du khách thừa đạm hoặc dị ứng với các loại NHộng thì đây không phải là 1 gợi ý tốt. Tuy nhiên, nếu bạn không thuộc nhóm trên thì phải thử một lần trong đời món Nhộng Ong rừng của Mù Cang Chải.
Do đặc thù sinh trưởng của loài Ong, không phải lúc nào bạn cũng sẽ được thưởng thức món ăn này, nhưng nếu bạn đến với Mù Cang Chải vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8 thì sẽ có cơ hội được trải nghiệm món ăn bùi, ngậy của núi rừng Tây bắc.
Nhộng Ong thường được xào chung với dọc mùng. Để món ăn trông bắt mắt người nấu đun sôi dầu rồi thả nhộng vào rang cho vàng bên ngoài và chín tới sao cho nhộng không bị quá nát. Mùi béo ngậy của nhộng cùng với mùi thơm của lá chanh và mùng thực sự rất kích thích vị giác của bất cứ thực khách nào khi đến với Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải đã quá nổi tiếng với ruộng Bậc thang được công nhận là danh thắng Quốc gia. Vào mùa lúa chín, khi mà bạn đang mải mê chụp cho mình những bức hình check in đầy sắc vàng của nắng và lúa thì dưới ruộng kia, người dân lại đang chăm chỉ để chuẩn bị cho ra lò một món ăn mang đậm hương vị của Tây bắc - Châu chấu rang.
Cách chế biến có phần giống với Nhộng Ong rừng, sau khi sơ chế và làm sạch, Châu Chấu sẽ được ngâm với chút giấm hoặc măng chua rồi rang lên. Khi chín, Châu chấu giòn tan, chấm cùng muối giã với ớt và lá chanh thì không còn gì sánh bằng.
Dưới tiết trời thu se se lạnh, tản bộ một vòng thị trấn Mù Cang Chải, khám phá khu chợ trung tâm trong một ngày Chủ nhật tấp nập, từng hàng quán cứ nghi ngút khói toả ra quyện với nhau tạo thành một nét rất riêng của phiên chợ vùng cao. Song, không thể lẫn vào đâu chính là mùi thơm ngọt như sữa của các quầy bán Xôi làm từ Nếp nương.
Dù được trồng trên các đồi nương nhưng hạt gạo Nếp của Tú Lệ không thể lẫn với các giống nếp khác. Hạt gạo dài, căng, mẩy nhưng lại rất đỗi trong veo đẹp mắt. Sau khi được ngâm với nước, gạo được đồ lên thành món Xôi trứ danh – Xôi Nếp nương Tú Lệ. Đặc biệt, khi được gói trong lá dong, hoặc lá chuối thì mùi thơm của Xôi lại được nhân lên gấp đôi tạo cho ta có cảm giác như được trở về với tuổi thơ cơm nắm, gói xôi đi học. Xôi nếp Nương ăn bùi mà không béo, chỉ cần một gói nhỏ cũng đủ giúp bạn có đủ năng lượng cho 1 ngày dài trải nghiệm, khám phá Mù Cang Chải.
Khi nói tới Cốm người ta thường nghĩ đến cốm Làng Vòng, thế nhưng có một địa danh cũng nổi tiếng không kém về nghề làm cốm, đó chính là Cốm Tú Lệ. Như đã nói ở trên, xôi Nếp Nương Tú Lệ là một trong những loại nếp thơm ngon bậc nhất của Yên Bái, do đó, từ giống lúa này, người dân bản địa ở đây từ lâu đã biết cách để tạo ra món Cốm Tú Lệ thơm ngon, ngọt lành như sữa.
Để cho ra những hạt cốm đậm đà, thơm dịu mang nét đặc trưng của vùng cao. Khi làm cốm, nghệ nhân phải bỏ rất nhiều công sức với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì. Từ rất sớm, người làm phải ra đồng cắt ngọn khi hạt gạo còn nguyên sữa. Khi làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt, sàng bỏ sạn, bụi bẩn và những hạt thóc lép, sau đó sàng qua nước rồi cho vào chảo rang.
Bí quyết để cho ra một mẻ Cốm ngon là chảo rang thường được làm bằng gang, có như vậy từng hạt cốm sẽ không bị cháy mà mềm, dẻo, thơm, ngon. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay khi thấy có trấu thì xúc ra xảy bỏ rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non của thóc khi gặt mà nghệ nhân sẽ ước lượng, trung bình khoảng 10 lần giã là hoàn tất. Cốm thành phẩm thường ăn luôn riêng rẽ hoặc ăn với hoa quả như Hồng, chuối; dùng để nấu chè, chả cốm…
Có thể nói, Mù Cang Chải là thủ phủ của Táo Mèo, bởi đến với Mù Cang Chải khi vào mùa, ta sẽ dễ dàng bắt gặp Táo mèo được bày bán khắp nơi, từ dọc đường đến các điểm chợ phiên, Chợ trung tâm… Quý khách chắc hẳn ít nhiều biết đến Táo mèo với tên gọi của 1 loại rượu – Rượu táo mèo. Táo mèo sau khi được hái xuống, sẽ được rửa qua cho sạch, phơi khô rồi cho vào bình và đổ rượu vào ngâm khoảng 2 tuần cho đến khi tinh chất trong quả tiết ra hoà với rượu tạo thành mùi thơm nồng của men, có vị chua, ngọt và màu nâu cánh gián bắt mắt.
Tuy nhiên, ngoài việc lấy rượu ngâm với Táo mèo ra, loài quả này còn có thể được sử dụng để ngâm với đường, lấy nước cốt pha uống vào mùa hè giống như ngâm quả Mơ, Nho, hay dâu đều rất thanh mát, chua dịu nhẹ và sảng khoái.
Cùng với Táo mèo thì Mận tam hoa có lẽ là thứ quả đặc trưng và nổi tiếng của Mù Cang Chải bởi hương vị đậm đà, giòn tan, chua dịu và ngọt của mận tam hoa khi vào mùa.
Hàng năm, cứ vào đầu thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 nếu có dịp lên với Mù Cang Chải, quý vị sẽ được nhìn thấy những nương đồi, những hàng mận quanh nhà người dân với chĩu chịt quả đỏ mọng vươn xuống thành chùm. Khác với mận Hậu, Mận Tam hoa Mù Cang Chải quả thường có kích thước to, giòn, và ngọt hơn nhiều, bên trong thì đỏ tươi như máu nên có một số nơi còn gọi là Mận máu.
Dù là cây nhà lá vườn, nhưng Mận tam hoa hiện đã và đang là một trong những loài quả chủ đạo trong phát triển Nông nghiệp của Mù Cang Chải, nó đã trở thành biểu tượng và là thứ đặc sản mà nhiều người mua về làm quà cho người thân mỗi khi trở về từ mảnh đất mờ sương.
Là điểm đến nổi tiếng với núi đồi Tây bắc, rất nhiều bản làng người Mông, người Thái trồng tre để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ tre, nưá cho ra được nhiều sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, và cũng từ Tre, nứa, đất mẹ cũng cho chúng ta nhiều món ăn ngon như Măng tre, măng giang, Măng nứa và rất nhiều loài rau rừng.
Măng ở đây thường thon nhỏ, to tầm cỡ chuôi liềm, mềm, có màu vàng. Nếu thu hoạch vào đúng mùa, măng sẽ non và rất dễ bóc, không có vị he đắng, chế biến có thể luộc hoặc xào chung với tía tô, tóp mỡ, mùi tàu để măng thêm dậy vị. Ngoài ra, chúng ta còn có thể mua măng tươi được bán nhiều ngoài chợ để xắt nhỏ ngâm với dấm ớt thành món măng ớt thơm ngon.
Vì là sản vật địa phương nên khi đến với Mù Cang Chải bất mùa nào trong năm, bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình những túi măng được bày bán ngoài chợ, ngoài đường để mang về làm quà cho gia đình.
Ẩm thực Mù Cang Chải còn có rất nhiều món ngon – độc – lạ để chúng ta cùng trải nghiệm và khám phá, Silver Heart Travel rất sẵn lòng được là đơn vị đồng hành cùng quý vị trong những chuyến hành trình ấy. Ngoài các món ăn kể trên, trong bài viết sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu, chia sẻ thêm các đặc sản khác để tìm hiểu trước khi lên đường./.
SSilver Heart Travel.