x
Pop-up
...

Nốt trầm Lìm Mông trong bản tình ca Tây Bắc

Nốt trầm Lìm Mông trong bản tình ca Tây Bắc

Vài nét chấm phá về bản Lìm Mông

Là một bản thuộc địa phận xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, đi từ Tú Lệ theo Quốc Lộ 32 khoảng 5km sẽ thấy đường rẽ vào bản Lìm Mông. Nằm chênh vênh sườn núi, cách đèo Khau Phạ không bao xa, lại có tầm nhìn bao quát được nhiều phía nên bản Lìm Mông là một điểm đến “mặc định” khi khách đi tour Mù Cang Chải từ Hà Nội.

Người Mông kiêu hãnh như chim đại bàng, nên họ thường chọn núi cao làm nơi trú ngụ để có thể sống tự do giữa đại ngàn. Cánh lái xe đùa rằng, cứ mỗi khi người dưới duôi tiến gần thêm một bước thì người dân nơi đây lại… lùi 999 bước còn lại. Phải chăng là vì thế nên khi đến bản Lìm Mông, càng đi người ta lại càng thấy chênh vênh như “Sừng Trời”?

Đường lên Lìm Mông khá vất vả, vì nó cứ… dốc dựng ngược, người ta đùa rằng nếu cắm biển báo thì chắc biển nào cũng phải trên 10 độ chứ không dùng được biển 10%. Con đường đất đỏ hiền hòa trong nắng khô những vào ngày mưa, đó lại là một trải nghiệm không vui chút nào cho các “lái mới”. Những khúc cua tay áo gắt và dốc tới mức nếu không giỏi xoay sở, bạn sẽ tụt xuống chân dốc đấy!

Nhọc nhằn, nhưng nó đáng giá đến từng giọt mồ hôi bỏ ra bởi vẻ đẹp ngất ngây của biển lúa - thứ tưởng chừng đã quá quen thuộc khi ngắm từ phía Quốc Lộ 32. Thế nhưng khi đứng ở Lìm Mông nhìn xuống, vẫn biển lúa ấy nhưng sao lạ lẫm vô cùng, như kiểu ai đó đã nghiêng đi bức tranh quen mắt để tạo ra một góc nhìn mới mẻ đến bất ngờ.

Vẻ đẹp của “nốt trầm” Lìm Mông

Từ đỉnh Lìm Mông, phóng tầm mắt về hướng Cao Phạ - điểm dừng chân của biết bao hành trình về với nguồn cội, sẽ là một cảm giác mới lạ về nơi tưởng chừng như đã quá quen khiến cho không ít người phải sững lại. Bức tranh thiên nhiên vốn đã tuyệt mỹ, nay lại được điểm thêm sắc xanh xen vàng của lúa khiến người ta cảm thấy vừa yên bình, vừa có chút gì đó choáng ngợp khó tả.

Lìm Mông mùa gặt, cảnh vật dường như thơ mộng và đẹp hơn dưới ánh nắng chiều thu. Những áng mây lờ lững cứ nối đuôi nhau đổi sang màu hồng nhạt phía cuối chân trời. Từng đàn chim vô tư sải cánh bay mải miết trên cánh đồng óng ả tưởng chừng như vô tận ấy. Gió xào xạc thổi nên những đợt sóng vàng xanh thoang thoảng hương, hít vào là thấy mùi an yên.

Đặt chân tới bản Lìm Mông, tức nghĩa là bạn đã đặt chân tới tận cùng rồi bởi tiếp theo chỉ là những con đường dẫn đi rừng - đi nương mà thôi, chẳng còn người ở nữa. Ở nơi giao thoa của trời và đất, bạn sẽ cảm giác tan chảy trước những nét mộc mạc đơn sơ của thiên nhiên, của con người nơi thâm sơn cùng cốc ấy để rồi lưu lại trong ký ức là một miền đất đầy mến thương.

Đến bản Lìm Mông vào thời điểm nào là đẹp nhất?

Khoảng thời gian đẹp nhất để tới thăm bản Lìm Môngmùa nước đổ tháng 5 – tháng 6 và mùa lúa chín từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10.

Khách du lịch Mù Cang Chải đến Lìm Mông mùa nước đổ sẽ bắt gặp những cơn đầu mùa chẳng báo trước, cứ thế trút xuống như thể gột rửa ưu tư cho cả đất và người. Lúc này, nước sẽ được dẫn vào các thửa ruộng để giúp cho đất mềm và nở ra cho bà con chuẩn bị vào vụ cấy. Những bậc thang đầy ắp nước cứ lấp la lấp lánh trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp đến nao lòng.

Thời điểm giữa tháng 9, tháng 10, Lìm Mông như khoác lên mình một chiếc áo mới vàng ươm của những bông lúa chín trên ruộng bậc thang. Đến nơi đây, du khách không chỉ bị mê bởi sắc vàng chủ đạo mà còn là hương lúa mới dịu ngọt thoang thoảng đầu thu. Những cây lúa dài nặng trĩu óng ả mang trên mình sự trù phú và ấm no của miền đất nơi rẻo cao Tây Bắc.

Tiếng lũ trẻ í ới gọi nhau bằng tiếng bản địa đưa trâu về chuồng, những con đường in bóng hai mẹ con khệ nệ địu nhau lững thững, bản Lìm Mông chỉ đơn sơ vậy thôi nhưng lại khiến biết bao khách đi tour Mù Cang Chải 3 ngày 2 đêm phải săn lùng tìm đến. Có lẽ khi trở về với sự giản dị nhất thì tâm hồn người ta mới tìm thấy sự an yên khi sống giữa cuộc sống hiện đại xô bồ, chen chúc.

Bài viết liên quan

ˆ